Việt Nam Ruộng_công

Trước năm 1945 mỗi ngôi làng truyền thống của người Kinh đều có một số đất dưới dạng ruộng công do hội đồng kỳ dịch quản lý. Ruộng công có nhiều hạng tùy theo hương ước của làng đề ra, thường với ba mục đích:

  • Trang trải chi phí cho làng bằng cách sinh lợi,
  • Giúp đỡ những ai cùng cố,
  • Bù trừ cho những ai có công với làng.

Dù là với mục đích gì thì ruộng công khi giao cho người canh tác thì cũng không chuyển nhượng quyền sở hữu mà chỉ là khoán tạm thời, ngắn dài tùy lệ làng, coi như cách trả lương vậy. Ruộng công ngay khi làng gặp lúc túng bần cũng không thể bán đi được mà quá lắm chỉ có thể đem cầm trong hạn vài năm mà thôi.[1]

Ruộng công thường được giao cho

  1. dân đinh đảm nhiệm việc canh phòng, tức tuần đinh để họ cày cấy trong khi bảo vệ làng.
  2. dân đinh lãnh việc cúng tế ở đình để sắm sửa lễ vật làm cỗ.
  3. gia đình có người bị sung lính, kể như đền bù công cho họ gọi là "lương điền".
  4. dân đinh quá nghèo không có ruộng nuôi thân; ngược lại họ góp công phục dịch khi làng cần đến.
  5. dân đinh muốn canh tác thêm và trả cho làng một phần lợi nhuận để làng có ngân khoản tài chính.

Ngoài ra có một số làng vì có nhiều ruộng nên áp dụng phép "khẩu phân điền" tức là mùa màng thu hoạch từ loại ruộng công này sẽ chia hết cho mỗi suất đinh trong làng.

Vì là đất của làng nên ruộng công chỉ có thể giao cho dân nội tịch. Người tạm cư hay ngoại tịch thì không được hưởng quyền lợi lĩnh canh.

Sử sách tiếng Việt ghi lại những loại ruộng công có năng dụng chính xác như "quả phụ điền" để cấp tiền cho đàn bà góa; "cô nhi điền" giúp cho trẻ mồ côi; "trợ sưu điền" giúp người nghèo đóng thuế thân.[2] Ngoài ra lại có "học điền" để trả tiền thầy dạy học trong làng, "bút điền" để trang trải tiền giấy bút cho công việc của chức dịch.[1]

Ở dạng công hữu, ruộng công thời phong kiến chính thức ra thuộc của nhà vua nên chế độ thuế má và địa tô thường nộp cao hơn ruộng đất của tư nhân.[1]